Bài tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường
Đăng lúc: 00:00:00 15/11/2021 (GMT+7)
Bài tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường
I. THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG HIỆN NAY
Như chúng ta đã biết, một vấn đề nóng bỏng đáng quan tâm, gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay đó là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra.
Xã hội càng phát triển, cùng theo đó là hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến thì vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Và hiện tượng ô nhiễm môi trường không những chỉ diễn ra ở các nước phát triển mà nó còn diễn ra ở cả các nước đang phát triển trong đó có cả đất nước Việt Nam của chúng ta và thậm chí là ở cả các nước chậm phát triển. Hiện nay ô nhiễm môi trường đang có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng hơn, không những chỉ ô nhiễm không khí mà còn ô nhiễm cả về đất, nước và hậu quả mà nó mang lại là rất lớn, rất nghiêm trọng, đặc biệt là nó ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người và sự sống của toàn nhân loại trên trái đất.
Có thể nói rằng trong thời gian gần đây hàng loạt những thiên tai kinh hoàng đã diễn ra như “Thảm hoạ kép” động đất sóng thần ở Nhật Bản và gần đây là siêu bão Namadol gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Philippin và Đài Loan, đã gióng lên một hồi chuông về những tác hại khôn lường mà ô nhiễm môi trường gây ra đối với cuộc sống của con người trên trái đất.
Theo ước tính của các nhà khoa học, cứ mỗi giờ trên trái đất lại có hàng trăm mét băng ở Nam Cực tan chảy ra, do đó thời gian mà nước biển ở các đại dương dâng lên ngày càng rút ngắn lại. Chính vì vậy mà trong một khoàng thời gian không xa 1/4 diện tích đất liền trên trái đất sẽ chìm ngập dưới đáy biển và một viễn canh khủng khiếp sẽ diễn ra. Hàng chục triệu người dân trên thế giới sẽ không có đất để sinh sống, họ sẽ ồ ạt di cư tới những nơi cao ráo hơn, những trung tâm đô thị, từ đó nó sẽ gây rất nhiều các vấn đề cần phải giải quyết như: sức ép dân số, tệ nạn xã hội, thiếu việc làm và nghiêm trọng hơn đó chính là vấn đề bạo lực, phân biệt chủng tộc, một thế giới hoà bình, hạnh phúc sẽ không còn nữa mà thay vào đó là một thế giới của sự tranh chấp về chỗ ở, về những nhu cầu được sống, được tồn tại.
Là một đất nước chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều loại thiên tai nguy hiểm, Việt Nam được xếp vào 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của vấn đề biến đổi khí hậu. Chính điều này đã đặt ra trách nhiệm cho mỗi người dân Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường nhằm hạn chế một phần nào đó những thiệt hại khôn lường mà biến đổi khí hậu gây ra.
Theo ước tính của các khà khí tượng thuỷ văn, hàng năm trên Biển Đông có 9 - 10 cơn bão hoạt động, trong đó có 3 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; hiện tượng sa mạc hóa ở ven biển Miền Trung đang diễn ra ngày càng nhanh chóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sự sống của người dân. Nghiêm trọng nhất đó là đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ có thể chìm ngập dưới mực nước biển trong thời gian sắp tới, một vùng đồng bằng châu thổ mầu mỡ, một vựa lúa lớn nhất của nước ta có thể bị mất đi nếu như ngay bây giờ chúng ta không có biện pháp để khắc phục. Và có biết bao những ảnh hưởng khôn lường mà biến đổi khí hậu gây ra đối với người dân, do đó là một công dân Việt Nam, chúng ta càng phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để cứu lấy cuộc sống của chính bản thân và toàn xã hội.
Có thể nói rằng, trong những năm đầu thực hiện dường lối đổi mới, vì tập trung ưu tiên phát triển kinh tế và cũng một phần do nhận thức còn hạn chế nên việc gắn phát triển kinh tế với BVMT chưa được chú trọng quan tâm đúng mức. Tình trạng tách rời công tác BVMT với sự phát triển kinh tế - xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều cấp, dẫn tới tình trạng gây ÔNMT diễn ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Đối tượng gây ÔNMT chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. ÔNMT gồm 3 loại chính đó là: ô nhiễm đất, ô nhiếm nước và ô nhiễm không khí. Trong 3 loại trên thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu CN và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm đã vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Lâu nay chúng ta bàn nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu CN mà chưa chú trọng giải quyết ÔNMT ở nông thôn. Song thực tế thực trạng gây ÔNMT ở nông thôn đang ở mức báo động mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do ý thức người dân.
Trên địa bàn tỉnh ta dân số sống chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều kiện cơ sở hạ tầng còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn và phải chịu những phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống.
Điều dễ nhận thấy là người dân chưa có ý thức về BVMT. Chính yếu tố này đã làm cho họ có những hành động tuỳ tiện theo thói quen, theo phong tục. Đó là chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và dường đi, khi gặp nắng thì bốc mùi, gặp mưa thì bị rửa trôi làm ô nhiễm môi trường nước. Phong tục, tập quán nhốt gia súc dưới gầm, sàn làm ô nhiễm nặng môi trường sống của các thành viên trong gia đình ( dân tộc, miền núi). Trong khi đó những hố xí tạm bợ của người dân, khi gặp mưa thì bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước hoặc phát sinh ruồi muỗi gây bệnh tật. Hơn nữa ÔNMT nông thôn còn do việc sử dụng các hoá chất BVTV trong nông nghiệp. Thực tế sau khi phun thuốc trừ sâu, người dân rửa bình bơm, để thuốc thừa ở mọi nơi mà không chú ý đến nguồn nước; bao bì, chai lọ, các hoá chất độc thì vứt bừa bãi đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước là tiền đề của bệnh tật mà người dân không thể nhận ngay ra được.
. Tại các vùng nông thôn, các loại rác thải vứt bừa bãi, không được thu gom cộng với phân gia súc, gia cầm càng làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng hơn.
. Hơn nữa làm nông nghiệp không thể chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, cây đậu… mà còn phải chăn nuôi để tăng thu nhập và lấy phân bón. Điều đó đương nhiên là người dân phải tiếp xúc trực tiếp với phân gia súc, gia cầm. Nếu không có các biện pháp nuôi nhốt và thu gom thì vấn đề ÔNMT ở nông thôn sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy mà thói quen gây tác hại cho môi trường cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh tật như: Đau mắt, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp…
. Trong khi điều kiện chúng ta còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay ÔNMT nông thôn bằng công nghệ tiên tiến thì biện pháp cấp bách trước mắt là phải nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân nông thôn từ đó để họ ý thức hơn, chủ động hơn trong việc thu gom rác thải, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không được thả rông gia súc, có như thế chúng ta mới từng bước cải thiện được môi trường sống của người dân nông thôn.
II. NƯỚC THẢI
1. Nước thải và hiện tượng nước bị ô nhiễm
* Nước thải:
- Trong tự nhiên nước được chia làm 3 loại là:
+ Nước mặt: sông suối, ao hố, đầm lầy…
+ Nước ngầm: Nước trong lòng đất
+ Nước biển
- Nước thải: Là nước đã qua sử dụg vào các mục đích như sinh hoạt, dịch vụ, tưới tiêu thuỷ lợi, chăn nuôi, chế biến công nghiệp…
* Hiện tượng nước bị ô nhiễm:
Nước bị ô nhiễm hay nước nhiễm bẩn có thể quan sát được bằng cảm quan qua các hiện tượng khác thường như sau:
- Mầu sắc:
Mỗi loại nước thải đều có những mầu sắc khá đặc trưng, nhưng đa số trường hợp khi nước bị nhiễm bẩn nặng đều có mầu nâu hoặc mầu đen.
- Mùi vị:
Nước sạch thường không có mùi vị nhưng khi nước bị nhiễm bẩn thì thường có mùi vị lạ: tanh, chát, thối…
- Độ trong:
Nước tự nhiên sạch không có tạp chất thường rất trong nhưng khi bị nhiễm bẩn thì các loại nước thải thường bị đục.
- Một số hiện tượng khác thường (Nước nở hoa):
Là hiện tượng nước vẫn bình thường nhưng quan sát thấy nước như có cánh hoa nở trong nước, là do nước giàu chất dinh dưỡng đặc biệt là hàm lượng phospho cao hoặc do nước bị nhiễm độc cao các khí hoà tan, các chất BVTV… hoặc do hàm lượng các chất hữu cơ quá cao, ô xi hoà tan nhỏ hoặc không có trong môi trường nước.
2. Một số phương pháp xử lý nước thải hiện nay:
Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học tri thức, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, người ta đã tìm ra các phương pháp xử lý nước thải đóng góp một phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống.
Xử lý nước thải là việc loại bỏ các tạp chất gây nhiễm bẩn nguồn nước, làm sạch lại nước và có thể đưa nước đổ vào nguồn hoặc đưa tái sử dụng.
Thông thường có 3 phương pháp là: Phương pháp cơ học, phương pháp lý hoá học, phương pháp sinh học và phương pháp tổng hợp.
(Trên thế giới và ở một số khu công nghiệp phát triển ở nước ta người ta đã áp dụng khá thành công các phương pháp xử lý nước thải trên. Tuy nhiên ở địa bàn nông thôn như xã ta hiện nay việc ứng dụng KHKT còn hạn chế, do vậy tôi chỉ xin phép được giới thiệu các phương pháp trên, nếu có điều kiện thì dịp khác chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn).
III. RÁC THẢI
1. Khái niệm:
- Rác thải là các chất rắn được loại bỏ trong quá trình sinh hoạt và hoạt động của con người (Gia đình, bệnh viện, khu du lịch…)
- Phế thải nông công nghiệp: Là những loại phụ phẩm, phế liệu sau khi đã được thu nhận các sản phẩm chính (Rơm rạ, trấu…)
- Trong quá trình hoạt động của thiên nhiên và con người hàng ngày, rác thải và phế thải được tạo ra ngày càng lớn và rất dễ làm ô nhiễm môi trường.
2. Phân loại rác thải:
a. Rác thải đô thị:
Nhìn chung rác thải đô thị được chia làm 4 loại sau:
. Rác thải sinh hoạt (gia đình, trường học…)
. Rác thải, phế thải khu chế biến nhỏ, làng nghề.
. Rác thải, phế thải công nghiệp
. Rác thải bệnh viện
- Trong các loại trên thì rác thải bệnh viện có lẫn các bệnh phẩm, máu. mủ… vì thế nó có nhiều các loại VSV gây bệnh nên thường được xử lý riêng băng công nghệ thiêu đốt.
b. Rác thải nông thôn: Gồm 3 loại sau:
- Rác thải hữu cơ: Rau, rơm, rạ, vỏ hoa quả, củ….
- Rác thải vô cơ: Nilong, các đồ dùng bằng nhựa…
- Xác động vật chết.
3. Phương pháp xử lý rác thải:
3.1. Đối với rác thải đô thị:
Ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ sinh học đặc biệt là công nghệ vi sinh vật người ta đã phát hiện ra 2 phương pháp xử lý rác thải đô thị chính đó là phương pháp xử lý hiếu khí và phương pháp xử lý kỵ khí.
a. Phương pháp xử lý hiếu khí ( Xử lý trong điều kiện có ôxy không khí): 3 cách
- Trải rác thành các lớp mỏng (vài chục cm) hoặc chất thành đống có đảo trộn để tạo hiếu khí cho VSV phát triển.
- Ủ trong các bể ủ không thổi không khí nhưng phải đảo trộn hoặc thổi khí bằng quạt cao áp hoặc khí nén có thể kiểm tra các thông số công nghệ. (Đây là cách thích hợp nhất hiện nay).
- Phân huỷ rác hiếu khí trong các thiết bị có thể thổi khí đầy đủ và kiểm soát được các thông số bằng nhiệt độ, độ ẩm và có thể bổ sung các chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác ( Hiện nay đây là cách hiệu quả nhất nhưng phạm vi áp dụng bị hạn chế).
b. Phương pháp xử lý kỵ khí: ( Xử lý trong điều kiện không có ôxy không khí)
* Cách 1: Ủ kìn để tạo điều kiện kỵ khí
- Sử dụng nhiều ở nông thôn nước ta, dùng để ủ phân chuồng (có thêm rơm rác). Cụ thể: Đổ và chất phân rác thành đống rồi trát kín bằng bùn.
* Cách 2: Chôn lấp
- Là biện pháp dùng phổ biến trên thế giới trong đó có nước ta. Cụ thể: Rác thải sinh hoạt và một số rác thải công nghiệp được cho xuống các hố sâu và rộng đã được gia công chống thấm ở đáy và thành, rồi nén chặt, phủ kín.
Lưu ý:
Đối với rác thải bệnh viện, rác thải công nghiệp có lẫn các chất độc hại cần phải có biện pháp xử lý riêng: Thiêu đốt, chôn lấp trong các đồ chứa đựng đặc biệt để tránh lan truyền các chất độc ra môi trường. Rác thải bệnh viện có nhiều VSV gây bệnh cần được xử lý bằng lò đốt riêng biệt - đây chính là biện pháp phổ biến và hữu hiệu nhất hiện nay.
3.2. Đối với rác thải nông thôn:
Chúng ta cần tự giác thu gom rác thải của gia đình nhà mình, phân loại rồi xử lý bằng các phương pháp sau:
- Tái sử dụng và tái chế: Các loại rác thải như sách, báo, giấy, các đồ dùng bằng nhựa, chai thuỷ tinh, các thiết bị điện, các kim loại như nhôm, đồng, chì… là các loại có thể tái chế hoặc sử dụng được thì chúng ta nên phân riêng bán cho những người mua phế liệu để đưa đi tái chế.
- Đối với những loại rác hữu cơ như cành cây, lá cây, rơm, rạ… chúng ta nên phơi khô rồi đem đốt để lấy tro làm phân bón ruộng.
- Chôn lấp: Ngoài các chất thải đã xử lý trên còn lại các chất thải như xác động vật chết, rau, hoa, củ, quả… chúng ta nên đào hố chôn tại vườn của gia đình nhà mình, hố được đào rộng 1,2m; sâu 1m và phải có nắp đậy kín để khi nào hố gần đầy thì lấy đất lấp lại và lại đào hố khác.
- Đối với các hộ chăn nuôi lớn (gia trại, trang trại), chúng ta nên xây hầm Bioga mục đích là vừa giữ được vệ sinh lại tận dụng được nguồn phân để sử dụng khí ga. Ở địa phương ta hiện nay đã có một số hộ thực hiện rất tốt phương pháp này.
- Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng ta phải xây thùng chứa phân 2 ngăn, 1 ngăn dùng để chứa phân và một ngăn dùng để ủ phân. Thùng phân phải được xây xung quanh đảm bảo kín, không để nước phân ngấm ra bên ngoài, có nắp đậy và đậy lấp kín phía trên để tránh nước mưa ngấm vào. Dùng phương pháp này vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa tận dụng được nguồn phân để bón ruộng.
IV. KẾT LUẬN
Có thể nói rằng BVMT là hoạt động mang tính cộng đồng rất cao. Để BVMT một cách có hiệu quả nhất cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Nếu như chúng ta có ý thức trồng một cây xanh mỗi tuần, nhặt rác thải mỗi tháng và không sử dụng túi nilong mỗi năm thì chắc chắn một điều rằng chính bản thân các đồng chí đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc BVMT của toàn xã hội.
Mỗi người chúng ta ngày hôm nay hãy làm những việc nhỏ để góp phần vào những mục tiêu chung mà con người đang hướng tới đó là giảm đi tác hại của vấn đề biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chính là ÔNMT. Chính vì vậy mà việc BVMT hiện nay là vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người.
Vâng, kính thưa các đồng chí, mỗi một sự vật trên trái đất đều mang trong đó một nhiệm vụ góp phần tô đẹp thêm cuộc sống này, chính vì vậy chúng ta đừng vì những nhu cầu trước mắt mà vô tình giết đi cuộc sống tươi đẹp mà hàng ngàn năm con người đã tạo dựng nên. Hãy BVMT, hãy bảo vệ hành tinh của chúng ta mãi mãi là một màu xanh vĩnh cửu.
T/h: Thúy Ngân - CC Địa chính, XD, NN, MT
Tin khác
- Công đoàn - cơ quan xã Hà Lĩnh với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024)
- HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU, TIÊU CHÍ XÃ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT NĂM 2023
- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Thanh Xá 3
- Hội Nông dân xã chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2023)
- Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Thọ Lộc, xã Hà Lĩnh
- Khai giảng năm học mới 2022-2023 tại trường Tiểu học Hà Lĩnh và các trường học trên địa bàn xã
- Thành lập tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà
- Không khí thi đua lập thành tích chào mừng ngày hiến chương các Nhà giáo Việt Nam (20/11) của Thầy và Trò trường Tiểu học Hà Lĩnh
- Bài tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường
- Hội Phụ nữ xã thành lập tổ hợp tác sản xuất “ Nuôi trồng sạch” do phụ nữ làm chủ
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289
02373.742.289